HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC VÀ PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP (HSE)
Phần 4.2 – Tổ chức bộ máy và phân định trách nhiệm đối với bộ phận y tế cơ sở và mạng lưới an toàn - vệ sinh viên.
3. Bộ phận y tế
Trong tất cả doanh nghiệp phải tổ chức bộ phận y tế hoặc người làm công tác y tế tuỳ theo số lượng lao động và đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo điều 73, Luật an toàn – vệ sinh lao động năm 2015 và được hướng dẫn bởi điều 37, Nghị định 39/2016/NĐ-CP. Công tác y tế trong doanh nghiệp phải đảm bảo thường trực theo ca sản xuất sơ cứu, cấp cứu có hiệu quả cho NLĐ. Cụ thể như sau:
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; khai khoáng; sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày; sản xuất than cốc; sản xuất hóa chất; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; tái chế phế liệu; vệ sinh môi trường; sản xuất kim loại; đóng và sửa chữa tàu biển; sản xuất vật liệu xây dựng:
Dưới 300 người lao động |
Bố trí ít nhất 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp. |
Từ 300 đến dưới 500 người lao động |
Bố trí ít nhất 01 bác sĩ / y sĩ và 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp. |
Từ 500 đến dưới 1.000 người lao động |
Bố trí ít nhất 01 bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp. |
Từ 1.000 người lao động trở lên |
Phải thành lập cơ sở y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. |
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác:
Dưới 500 người lao động |
Bố trí ít nhất 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp. |
Từ 500 đến dưới 1.000 người lao động |
Bố trí ít nhất 01 y sỹ và 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp. |
Trên 1.000 người lao động |
Phải có ít nhất 01 bác sỹ và 01 người làm công tác y tế khác. |
Trường hợp cơ sở không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập được bộ phận y tế thì phải có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NLĐ.
Người làm công tác y tế ở doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có trình độ chuyên môn y tế bao gồm: Bác sỹ, Bác sỹ y tế dự phòng, Cử nhân Điều dưỡng, Y sỹ, Điều dưỡng trung học, Hộ sinh viên;
- Có chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.
Nhiệm vụ của bộ phận Y tế cơ sở
- Thực hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh thông thường tại cơ sở lao động và sơ cứu, cấp cứu các trường hợp tai nạn lao động;
- Quản lý tình hình sức khoẻ của NLĐ, bao gồm: tổ chức khám sức khoẻ định kỳ; khám BNN; lưu giữ và theo dõi hồ sơ sức khỏe tuyển dụng, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có);
- Quản lý cơ số trang thiết bị, thuốc men phục vụ sơ cứu, cấp cứu theo ca sản xuất (nếu có) và theo phân xưởng sản xuất;
- Xây dựng các nội quy về AT – VSLĐ, các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp và các biện pháp dự phòng để người lao động tham gia phòng tránh;
- Xây dựng các tình huống sơ cấp cứu thực tế tại cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng các phương án và tình huống cấp cứu tai nạn lao động tại cơ sở nhằm bảo đảm sơ cấp cứu có hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn;
- Kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động tại cơ sở lao động; phối hợp với bộ phận AT – VSLĐ thực hiện đo, kiểm tra, giám sát các yếu tố nguy cơ trong MTLĐ, hướng dẫn các phân xưởng và người lao động thực hiện các biện pháp vệ sinh lao động;
- Xây dựng kế hoạch điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại hoặc có kết quả khám sức khỏe định kỳ là loại IV, loại V hoặc mắc bệnh nghề nghiệp;
- Định kỳ hàng năm tổ chức huấn luyện cho người lao động về ảnh hưởng của các yếu tố có hại phát sinh trong môi trường lao động đến sức khỏe và các biện pháp dự phòng các bệnh có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp; các biện pháp sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động thông thường tại nơi làm việc;
- Hàng năm kiểm tra, giám sát môi trường lao động; quản lý hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở; đề xuất các khuyến nghị và biện pháp cải thiện điều kiện lao động và nâng cao sức khỏe cho người lao động;
- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật (cơ cấu định lượng hiện vật, cách thức tổ chức bồi dưỡng) cho những người làm việc trong điều kiện lao động có hại đến sức khỏe,
- Tham gia hoàn chỉnh các thủ tục để giám định tổn hại sức khỏe, thương tật cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc Tai nạn lao động.
- Phối hợp và nhận chỉ đạo từ cơ quan y tế địa phương hoặc y tế Bộ, ngành (nếu có) để quản lý sức khỏe của người lao động, tiếp nhận và thực hiện đầy đỉu chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của y tế địa phương và y tế bộ nghành.
- Thực hiện các báo cáo định kỳ về quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp của người lao động đối với cơ quan y tế địa phương và y tế Bộ, nghành (nếu có).
Quyền hạn của bộ phận y tế cơ sở:
- Được các quyền hạn tương tự như bộ phận an toàn – vệ sinh lao động;
- Tham gia các cuộc họp, hội nghị và giao dịch với cơ quan y tế địa phương hoặc y tế Bô, ngành để nâng cao nghiệp vụ và phối hợp công tác.
Thêm vào đó, doanh nghiệp còn phải tổ chức lực lượng sơ cấp cứu viên thường trực tại nơi làm việc theo Thông tư 19/2016/TT-BYT về việc “Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động” có hiệu lực từ ngày 15/8/2016. Tham khảo thêm bài viết “Tổ chức lực lượng sơ cấp cứu và phản ứng khẩn cấp tại doanh nghiệp”.
4. Mạng lưới An toàn – vệ sinh viên (sau đây gọi tắt là AT – VSV)
Không phải tất cả cơ sở có sử dụng lao động đều phải thành lập mạng lưới an toàn – vệ sinh viên. Mỗi tổ đội thi công, sản suất trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. AT – VSV được người lao động trong tổ bầu ra. Người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp xét chọn AT-VSV và Người sử dụng lao động ra quyết định công nhận. Theo quy định của pháp luật hiện hành, AT – VSV hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người sử dụng lao động, trên cơ sở “quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn – vệ sinh viên” do Người sử dụng lao động ban hành. Bộ phận an toàn lao động và Bộ phận y tế phối hợp và tư vấn về chuyên môn để lực lượng này đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Nhiệm vụ của an toàn – vệ sinh viên:
- Nhắc nhở, hướng dẫn mọi người tại dự án/bộ phận chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy về an toàn, vệ sinh lao động, bảo quản và sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân.
- Phối hợp/chủ trì thực hiện họp toolbox đầu ca làm việc hằng ngày tại dự án/bộ phận/khu vực sản xuất mình phụ trách.
- Dành một phần thời gian để kiểm tra, giám sát công tác thực hiện các tiêu chuẩn, quy định về an toàn – vệ sinh lao động tại khu vực làm việc. Kịp thời phát hiện và đưa ra các biện pháp khắc phục đối với các điều kiện, tình huống không đảm bảo an toàn – vệ sinh lao động.
- Tham gia đóng góp vào công tác xây dựng, cải tiến kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động tại dự án, khu vực làm việc.
- Kiến nghị với người quản lý cấp trên trong việc thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, biện pháp đảm bảo an toàn – vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc.
- Tham gia vào công tác sơ cấp cứu ban đầu và phòng cháy chữa cháy tại dựa án/bộ phận làm việc.
- Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các thành viên trong nhóm và người lao động khác tại dự án/bộ phận.
- Báo cáo tổ chức công đoàn hoặc thanh tra lao động khi phát hiện vi phạm về an toàn – vệ sinh lao động tai nơi làm việc và đã kiến nghị với người quản lý cấp trên nhưng chưa được khắc phục.
Quyền hạn của an toàn – vệ sinh viên:
- Được quyền yêu cầu người lao động tại dự án/bộ phận/tổ đội mình phụ trách ngừng làm việc để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn – vệ sinh lao động nếu thấy nguy cơ trực tiếp gây sự cố, tai nạn lao động.
- Được quyền đề xuất với quản lý cấp trên thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Khắc phục các yếu tố mất an toàn của máy móc, thiết bị tại nơi làm việc.
Quản lý hoạt động của mạng lưới an toàn – vệ sinh viên:
- Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp kết hợp với bộ phận an toàn lao động và Bộ phận y tế có trách nhiệm hướng dẫn, điều hành hoạt động của mạng lưới An toàn – vệ sinh viên.
- Các phòng ban khác phối hợp với công đoàn cơ sở để triển khai nghiêm túc quy chế này, tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của mạng lưới an toàn – vệ sinh viên đạt hiệu quả.
Quyền lợi của mạng lưới an toàn – vệ sinh viên:
- Thời gian thực hiện nhiệm vụ an toàn – vệ sinh lao động của mạng lưới AT – VSV được hưởng nguyên lương và các chế độ khác như bình thường.
- Khi có quyết định công nhận, AT – VSV được cung cấp các tài liệu cần thiết (quy chế, quy định, tài liệu an toàn khác…) để hoạt động.
- Được xem xét ưu tiên cử đi tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện có liên quan đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác an toàn – vệ sinh lao động.
- Được học tập, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do Công ty tổ chức dựa trên các quy định của pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động.
- Các hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, được chi trả mức phụ cấp hằng tháng theo quy định và đánh giá từ Người sử dụng lao động.
Chế độ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ:
- Các AT – VSV được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, học tập khi có quyết định của Giám đốc hoặc Ban chấp hành Công đoàn Công ty.
Ngoài ra, để tổ chức được mạng lưới an toàn – vệ sinh viên đạt được hiệu quả thì cần phải quan tâm tới việc quy định rõ các công việc liên quan tới phương pháp xử lý các vi phạm và kiến nghị, chế độ báo cáo, chế độ sinh hoạt, chế độ khen thưởng – kỷ luật và nội dung công việc cụ thể trong ngày của An toàn – vệ sinh viên trong bộ quy chế. Tùy theo bối cảnh thực tế của doanh nghiệp mà bản quy chế này được điều chỉnh cho phù hợp, và phải dựa trên các hướng dẫn của quy định pháp luật.
Bài viết tiếp theo: 4.3 : Ví dụ mẫu về bộ quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn – vệ sinh viên tại doanh nghiệp.
Tin liên quan
PHẦN 2.9: QUY ĐỊNH KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP
Quy định khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp. Người sử dụng lao động có nghĩa…
PHẦN 2.8: QUẢN LÝ SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP
Công tác quản lý, theo dõi sức khỏe cho người lao động một cách thường xuyên và đầy đủ giúp cho người…
PHẦN 2.7 - TỔNG QUAN VỀ THIẾT BỊ KHỬ RUNG TIM BÊN NGOÀI TỰ ĐỘNG (AED)
Tại nhiều nước trên thế giới, máy khử rung tự động ở bên ngoài (AED) có sẵn ở nhiều nơi công cộng, bao…
PHẦN 2.7: TỔ CHỨC HUẤN LUYỆN SƠ CỨU, CẤP CỨU TẠI NƠI LÀM VIỆC
Định kỳ hằng năm, người sử dụng lao động phải lập kế hoạch và tổ chức huấn luyện các khóa huấn luyện…
PHẦN 2.6 - HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG SƠ CỨU, CẤP CỨU TẠI DOANH NGHIỆP
Hầu hết, tất cả doanh nghiệp, tổ chức cần phải tổ chức bộ phận y tế hoặc người làm công tác y tế và…
Từ khóa tổ chức bộ máy an toàn lao động, bộ phận y tế cơ sở, thành lập mạng lưới an toàn - vệ sinh viên, cán bộ y tế cơ sở, an toàn - vệ sinh viên,