XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG

2021-03-30 Viewed 3488

Để triển khai thành công Hệ thống quản lý cần phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc xây dựng kế hoạch này được pháp luật Việt nam quy định tại điều 76, Luật an toàn – vệ sinh lao động số 84/2015/QH13. Cùng với đó là sự hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một số công việc quan trọng khác như thực hiện nhận diện và đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và việc tổ chức công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH. Việc xây dựng được một kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động toàn diện, giúp tạo ra cho tổ chức một tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu dựa trên hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và bối cảnh sản xuất, kinh doanh cụ thể của tổ chức. Việc xây dựng, và tổ chức thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động là một quá trình đòi hỏi sự tham gia và tác động ở nhiều góc độ, vấn đề với mục đích về bản chất là để ngăn ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi sản xuất, kinh doanh, gia tăng các giá trị nhân văn và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức. Chính vì vậy, khi nhắc tới xây dựng hệ thống quản lý OHS&E, người ta thường nhắc tới công tác quản lý rủi ro an toàn, sức khỏe và môi trường tại nơi làm việc (OHS&E Risk management at work). Qúa trình quản lý này được mô tả một cách có hệ thống tại ISO 31000, bao gồm nhiều công đoạn dựa trên mô hình P – D –C – A, từ thiết lập bối cảnh, nhận diện, phân tích, đánh giá rủi ro, giám sát, đo lường và cải tiến…

Dựa trên khuôn khổ những yêu cầu từ ISO 31000 và các văn bản pháp luật Việt nam, cũng có những nét tương đồng. Khởi đầu bằng việc thiết lập bối cảnh và nhận diên, phân tích các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.

Phần 5.1. Hướng dẫn thiết lập bối cảnh tổ chức và nhận diện, phân tích yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.

1. Thiết lập bối cảnh tổ chức

Bằng cách thiết lập và xác định bối cảnh cụ thể của tổ chức, tổ chức nêu rõ các mục tiêu, phạm vi, tiêu chuẩn đánh giá các tham số bên trong, bên ngoài, các yếu tố mà có thể phải tính tới trong quá trình quản lý rủi ro. Tổ chức cần phải xác định rõ bối cảnh bên ngoài để đảm bảo việc đạt được các mục tiêu, mối quan tâm từ các bên liên quan trong quá trình thiết lập tiêu chuẩn đánh giá rủi ro. Bối cảnh bên ngoài có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở:

⎯ điều kiện xã hội và văn hóa, chính trị, luật pháp, quy định, tài chính, công nghệ, kinh tế, tự nhiên và môi trường cạnh tranh quốc tế, quốc gia, khu vực hoặc địa phương;

⎯ các động lực và xu hướng chính có tác động đến các mục tiêu của tổ chức;

⎯ mối quan hệ với, nhận thức và giá trị của các bên liên quan bên ngoài;

Đồng thời, phải xác định kèm theo bối cảnh bên trong tổ chức, vì mọi quá trình triển khai đều phải phù hợp với văn hóa, quy trình, cấu trúc và chiến lược phát triển của tổ chức. Có thể kể tới một vài yếu tố như:

⎯ cơ cấu tổ chức, vai trò và trách nhiệm giải trình;

⎯ các chính sách, mục tiêu và các chiến lược được áp dụng để đạt được kết quả mong đợi;

⎯ khả năng của nguồn nhân lực, nguồn lực khác và kiến thức (ví dụ: vốn, thời gian, con người, quy trình, hệ thống và công nghệ);

⎯ văn hóa của tổ chức;

⎯ hệ thống thông tin, luồng thông tin và quá trình ra quyết định (cả chính thức và không chính thức);

⎯ các tiêu chuẩn, hướng dẫn và mô hình được tổ chức áp dụng;

Đồng thời, để triển khai được quá trình quản lý rủi ro tại nơi làm việc, cần phải thiết lập được bối cảnh cụ thể đối với quá trình quản lý rủi ro. Cần xác định rõ các mục tiêu, chiến lược, phạm vi áp dụng. Bối cảnh quá trình quản lý rủi ro, sẽ có những sự khác biệt đáng kể đối với mỗi tổ chức, nó có thể bao hàm:

⎯ xác định các mục tiêu và phạm vi của các hoạt động quản lý rủi ro;

⎯ xác định trách nhiệm cụ thể trong quá trình quản lý rủi ro;

⎯ xác định cụ thể về thời gian, địa điểm của hoạt động, dự án, sản phẩm, dịch vụ hoặc tài sản;

⎯ xác định các phương pháp luận và các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro;

⎯ xác định cách thức đánh giá hiệu suất và hiệu quả trong quản lý rủi ro;

2. Nhân diện và phân tích yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.

Việc nhận diện và phân tích các yếu tố nguy hiểm, có hại (2.14; 2.15 – ISO 31000) tại nơi làm việc là một quá trình bao gồm nhiều hoạt động có tính logic. Qúa trình này không chỉ là nhận diện và phân tích các nguy hiểm đang hiện hữu mà còn bao gồm cả việc quản lý sự thay đổi (change management) có thể sẽ phát sinh ra mâu thuẫn, rủi ro tại nơi làm việc. Thất bại trong việc nhận diện và phân tích này là sẽ không thể nhận diện ra được yếu tố nguy hiểm chính và đó là tín hiệu của việc hệ thống đang hoạt động không hiệu quả và hậu quả cuối cùng là có thể dẫn đến sự cố, chấn thương. Đặc biệt, việc phân tích yếu tố nguy hiểm, có hại cần chú ý đặc biệt để phát hiện nguy hiểm trong các trường hợp thay đổi phương pháp làm việc, công nghệ sản xuất, thi công hoặc điều kiện làm việc. Nếu bạn đang còn chưa nhận thức rõ được mô hình, công nghệ, phương pháp, điều kiện lao động tại doanh nghiệp thì việc tham khảo các mối nguy hiểm trong các doanh nghiệp cùng ngành và tìm các nguy hiểm tương tự tại nơi làm việc của mình cũng là một giải pháp hay. Nếu không thể tự tìm ra phương tiện hay phương pháp phù hợp để nhận diện mối nguy hiểm thông qua khảo sát, phân tích, kiểm tra vv…. trong các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ thì nên tìm kiếm sự trợ giúp hoặc lời khuyên hợp lý từ các chuyên gia xây dựng hệ thống. Đặc biệt, với các thiết bị máy móc hoặc kỹ thuật mới cần phải thực hiện từ khảo sát thực tế, cập nhật sự thay đổi cho đến những khảo sát và phân tích toàn diện, thì việc làm này không chỉ đơn thuần là kiểm tra thường nhật mà đòi hỏi phải có nhiều kiến thức chuyên môn hơn. Đối với người thực hiện kiểm tra thường nhật, họ cần phải có có kinh nghiệm ở một mức độ nhất định và tìm kiếm rủi ro trong bộ phận, vị trí làm việc có liên quan. Đây chính là năng lực cần có ở người lao động thông thường để giám sát và thực hiện công việc một cách an toàn. Như vậy, để nắm bắt được vấn đề xác định các yếu tố nguy hiểm, có hại thì điều đầu tiên là phải nhận thức rõ ràng bản chất của các yếu tố nguy hiểm, có hại là gì?

Có thể hiểu, yếu tố nguy hiểm là yếu tố có thể tác động một cách đột ngột lên cơ thể NLĐ gây chấn thương tức thời. Trong khi đó, vùng nguy hiểm là khoảng không gian mà trong đó tồn tại các yếu tố nguy hiểm tác động một cách thường xuyên, theo chu kỳ hoặc bất ngờ gây TNLĐ. Yếu tố nguy hiểm cho phép nhận diện và xác định chính xác mối nguy hiểm, còn vùng nguy hiểm cho phép xác định phạm vi ảnh hưởng và tác động của yếu tố nguy hiểm.

Các yếu tố nguy hiểm bao gồm:

  1. Các bộ phận truyền động (như truyền động bằng dây cu roa, truyền động bằng bánh răng, truyền động bằng ma sát, các khớp nối....)
  2. Các bộ phận chuyển động của máy (như chuyển động quay, chuyển động thẳng, dao động qua lại...)
  3. Vật văng vắn (như vật gia công bị văng bắn, các phôi trong gia công cắt, đục văng bắn, mảnh đá mài bị vỡ...)
  4. Vật rơi, đổ sập (như đứt dây khi đang cẩu vật liệu, cấu kiện; cành rơi, cây đổ; sạt lở đất đá...)
  5. Dòng điện (như vi phạm hành lang an toàn điện,ngắn mạch, chập mạch khi thao tác; thiết bị đóng cách bị hỏng...)
  6. Các nguồn nhiệt, và sự phát sinh nhiệt (như hậu quả của cháy, nổ, kim loại nóng chảy, trượt ngã vào vùng nguyên liệu nóng...)
  7. Nổ hóa học (như pha trộn các hóa chất sai quy trình, trộn lẫn các hóa chất không phù hợp dẫn tới phản ứng và gây nổ...)
  8. Nổ vật lý (như nổ thiết bị chứa áp lực; đổ ngã trong quá trình vận chuyển, lưu trữ...)

Trong khi đó, yếu tố có hại là các yếu tố thuộc về điều kiện lao động không thuận lợi, vượt quá giới hạn cho phép, có thể làm suy yếu sức khỏe của Người lao động và là nguy cơ gây ra bệnh nghề nghiệp. Việc xác định các yếu tố có hại căn cứ vào thời gian tiếp xúc và phương pháp tiếp xúc.

Các yếu tố có hại bao gồm:

  1. Các yếu tố vật lý tại nơi làm việc (như vi khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, rung động, chiếu sáng không hợp lý, điện từ trường, bức xạ ion hóa...)
  2. Các yếu tố hóa học (như các hóa chất độc hại ở các dạng như hơi, khí, dung môi...sử dụng, phát sinh trong quá trình làm việc)
  3. Yếu tố sinh học (như vi sinh vật bệnh đường ruột, ký sinh trùng, vi - rút, các loại nấm mốc, phấn hoa...)
  4. Các yếu tố bất lợi về tư thế lao động (như tư thế làm việc gò bó, không gian chật hẹp, di chuyển nhiều khi làm việc...)
  5. Yếu tố bất lợi về tổ chức, bố trí nơi làm việc (như bố trí, sắp xếp máy móc, thiết bị không khoa học, nơi làm việc chật chội...)
  6. Các yếu tố bất lợi về tâm - sinh lý lao động (như mức độ đơn điệu trong lao động, căng thẳng thần kinh tâm lý và mệt mỏi...

Như vậy, chỉ cần dựa vào các nhóm yếu tố nguy hiểm, có hại như đã liệt kê phía trên, các bạn có thể hình dung được cơ bản những yếu tố cần phải quan tâm trong quá trình nhận diện các mối nguy hiểm tại nơi làm việc của mình. Bài viết sau, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ về các điểm cần lưu ý trong quá trình nhận diện mối nguy hiểm, có hại và các bước cơ bản trong đánh giá rủi ro tại nơi làm việc.

Phần 5.2. Những điểm lưu ý trong quá trình nhận diện yếu tố nguy hiểm, có hại và phương pháp đánh giá rủi ro tại nơi làm việc.

PHẦN 2.9: QUY ĐỊNH KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP

PHẦN 2.9: QUY ĐỊNH KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP

Quy định khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp. Người sử dụng lao động có nghĩa…


PHẦN 2.8: QUẢN LÝ SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP

PHẦN 2.8: QUẢN LÝ SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP

Công tác quản lý, theo dõi sức khỏe cho người lao động một cách thường xuyên và đầy đủ giúp cho người…


PHẦN 2.7 - TỔNG QUAN VỀ THIẾT BỊ KHỬ RUNG TIM BÊN NGOÀI TỰ ĐỘNG (AED)

PHẦN 2.7 - TỔNG QUAN VỀ THIẾT BỊ KHỬ RUNG TIM BÊN NGOÀI TỰ ĐỘNG (AED)

Tại nhiều nước trên thế giới, máy khử rung tự động ở bên ngoài (AED) có sẵn ở nhiều nơi công cộng, bao…


PHẦN 2.7: TỔ CHỨC HUẤN LUYỆN SƠ CỨU, CẤP CỨU TẠI NƠI LÀM VIỆC

PHẦN 2.7: TỔ CHỨC HUẤN LUYỆN SƠ CỨU, CẤP CỨU TẠI NƠI LÀM VIỆC

Định kỳ hằng năm, người sử dụng lao động phải lập kế hoạch và tổ chức huấn luyện các khóa huấn luyện…


PHẦN 2.6 - HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG SƠ CỨU, CẤP CỨU TẠI DOANH NGHIỆP

PHẦN 2.6 - HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG SƠ CỨU, CẤP CỨU TẠI DOANH NGHIỆP

Hầu hết, tất cả doanh nghiệp, tổ chức cần phải tổ chức bộ phận y tế hoặc người làm công tác y tế và…



Từ khóa xây dựng hệ thống quản lý HSE, kế hoạch an toàn vệ sinh lao động, kế hoạch HSE hằng năm, yếu tố nguy hiểm; có hại tại nơi làm việc,

@ Copyright 2017 CÔNG TY MASTCO