HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP

2021-06-11 Viewed 1117

Phần 1: Tổng quan về công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp

Tất cả mọi người có liên quan ở nơi làm việc không phân biệt làm việc chính thức, làm việc tạm thời hay khách tham quan thì đều phải nắm rõ các nguyên tắc an toàn từ cơ bản tới nâng cao và trách nhiệm của mình đối với công tác an toàn – vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Chính vì vậy, tùy theo từng đối tượng và mục đích của họ tại nơi làm việc mà người sử dụng lao động quyết định những tiêu chuẩn riêng phù hợp. Nhưng về cơ bản, doanh nghiệp nên xem xét để tổ chức các khóa huấn luyện như là một tiêu chuẩn tối thiểu để mọi người đều phải có những kiến thức thực tế cần thiết về an toàn – vệ sinh lao động một cách đồng bộ. Qua chuỗi bài viết này, T.S.E sẽ cung cấp tới các bạn góc nhìn tổng quan hơn về công tác tổ chức huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động, đồng thời là các tips ngắn hỗ trợ các bạn nâng cao được hiệu quả trong công tác huấn luyện nói chung tại doanh nghiệp của mình.

Lâu nay, chúng ta thường nhắc tới nhiều, làm nhiều, nghe thấy nhiều về việc tổ chức huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Nhưng để có một khái niệm hoàn chỉnh, đầy đủ nhất thì có thể sẽ không có nhiều người nắm rõ. Các bạn thử hình dung riêng cho mình một khái niệm và so sánh với những gì mà T.S.E cung cấp xem có trùng khớp không nhé. 

Thưa các bạn, về bản chất, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là hoạt động giảng dạy, hướng dẫn và phổ biến kiến thức về công tác an toàn – vệ sinh lao động. Huấn luyện là một yêu cầu cơ bản đối với tất cả mọi nơi làm việc nhằm đạt được thành công trong việc thực hiện các mục tiêu và chiến lược về an toàn – vệ sinh lao động, bao gồm huấn luyện kiến thức chung và huấn luyện chuyên sâu vào từng chuyên đề đối với từng công việc khác nhau. Mục đích của việc huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động này là để tăng cường nhận thức của người lao động đối với các vấn đề về an toàn – vệ sinh lao động nói chung và tại doanh nghiệp nói riêng, để có thể giúp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho chính bản thân và của những người khác tại nơi làm việc. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp. Thông qua quá trình huấn luyện, các nhà quản lý, các cán bộ giám sát và đội ngũ người lao động sẽ có thể hiểu rõ và có đủ kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa và ứng phó với các yếu tố nguy hiểm, có hại hoặc các tình huống bất trắc tại nơi làm việc. Chưa xét tới quy mô tổ chức, huấn luyện nên được sử dụng như một công cụ để ngăn ngừa các tai nạn và thương tính, bệnh tật có thể xảy ra ở nơi làm việc. Từ đó, không chỉ kiến tạo được một nơi làm việc an toàn, lành mạnh mà còn tạo ra được những giá trị vô hình khác như: thúc đẩy doanh thu, năng suất làm việc do người lao động có sức khỏe tốt, yên tâm làm việc; tạo thêm được nhiều hợp đồng với các khách hàng mới do đáp ứng được các chuẩn mức về công tác an toàn – vệ sinh lao động và trách nhiệm xã hội; cắt giảm các chi phí do tai nạn lao động, bệnh nghề nghề nghiệp; cắt giảm các chi phí đền bù, đào tạo, tuyển dụng mới… và còn giảm các rủi ro về mặt pháp lý cho doanh nghiệp…

Chủ của doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm cao nhất về việc phê duyệt và phân bổ nguồn lực để thực hiện huấn luyện. Nhà quản lý chịu trách nhiệm về việc phê duyệt và phân bổ nguồn lực đào tạo. Tất cả người lao động, người sử dụng lao động và người làm công tác an toàn – vệ sinh lao động thì đều phải tham gia các chương trình huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động. Trong phạm vi, trách nhiệm của mình, người sử dụng lao động phải tổ chức triển khai huấn luyện theo nội dung được quy định tại Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, Nghị định số 44/2016/ND-CP và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong huấn luyện cần chú ý một số vấn đề sau đây:

  • Phải chuẩn bị nội dung huấn luyện cho sát với từng loại đối tượng mục tiêu được huấn luyện. Ví dụ: Theo Nghị định 44/2016/ ND-CP và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về 6 nhóm đối tương huấn luyện khách nhau. Về cơ bản, nhóm 1 dành cho Người sử dụng lao động, cấp quản lý; nhóm 2 dành cho người lao động làm công tác an toàn – vệ sinh lao động theo hình thức chuyên trách và bán chuyên trách tại doanh nghiệp; nhóm 3 là danh cho người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động – danh mục công việc này được quy định chi tiết trong thông tư 06/2020/TT-BLDTBXH; nhóm 4 là dành cho người lao động không thuộc các nhóm 1,2,3,6; nhóm 5 là dành cho người lao động làm công tác y tế tại doanh nghiệp và nhóm 6 là dành cho người lao động kiêm nhiệm thêm vị trí an toàn – vệ sinh viên tại doanh nghiệp. Chính vì thế, cán bộ làm việc này phải thông hiểu thực tế ở cơ sở. Phải căn cứ vào quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn và tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động của ngành nghề sản xuất hoặc của Nhà nước ban hành mà soạn ra nội dung huấn luyện phù hợp, tổ chức huấn luyện nghiêm túc, tránh tình trạn làm qua loa cho xong việc.
  • Việc huấn luyện phải chú ý từ việc chuẩn bị nội dung, xác định đối tượng huấn luyện, loại, tổ chức lớp và tổ chức việc kiểm tra sát hạch cấp chứng nhân, chứng chỉ phù hợp, cần rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ngày một tốt hơn.
  • Tài liệu huấn luyện và bài kiểm tra sát hạch của mỗi cá nhân đều phải lưu hồ sơ theo quy định. Ngoài việc huấn luyện, sát hạch theo chế độ quy định, người sử dụng lao động phải cùng với công đoàn (nếu có) tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục rộng rãi thích hợp như tổ chức triển lãm, tranh vẽ, chiếu phim, nói chuyện chuyên đề, tổ chức thi tìm hiểu công tác an toàn – vệ sinh lao động, làm ca dao, văn nghệ, thông tin, nêu các gương tốt, việc tốt và đấu tranh phê phán những việc sai trái ở ngay doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp cần đầu tư công sức vào công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về công tác an toàn – vệ sinh lao động. Yêu cầu công tác này đối với doanh nghiệp, cơ sở là càng làm được sâu rộng thì càng tốt. Phải gây thành phong trào quần chúng tự giác chấp hành các quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những vi phạm gây ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Các ghi chép về việc huấn luyện, tuyên truyền cần cập nhật và lưu giữ lại để báo cáo khi có yêu cầu của luật phát cũng như để xác định nhu cầu huấn luyện. Một số hồ sơ liên quan tới công tác huấn luyện cần quan tâm và lưu trữ như:

  • Quyết định mở lớp huấn luyện
  • Quyết định công nhận kết quả huấn luyện
  • Sổ theo dõi huấn luyện các nhóm
  • Chứng nhận huấn luyện đối với nhóm 1;2;5;6, thẻ an toàn đối với nhóm 3, sổ theo dõi huấn luyện đối với nhóm 4
  • Hồ sơ năng lực công ty huấn luyện, hồ sơ giảng viên huấn luyện
  • Tài liệu, giáo trình huấn luyện
  • Phiếu đánh giá khóa học
  • Danh sách tham gia huấn luyện
  • Hình ảnh thực tế của lớp học

Nhìn chung chương trình huấn luyện cho người lao động nên hướng tới:

- Huấn luyện những kiến thức chung cho người lao động mới. Như sau những đợt tuyển dụng mới, hoặc tại các công trình xây dựng, thông thường phải huấn luyện cho người lao động trước khi vào làm việc tại công trường.

 - Huấn luyện những công việc cụ thể đối với người làm nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn – vệ sinh lao động như nâng vác thủ công, các chất độc hại tiếp xúc, máy, thiết bị, tiếng ồn, vấn đề về ergonomic, báo cáo tai nạn…

- Huấn luyện lại cần thiết và theo quy định của luật pháp.

Phần tiếp theo: Phần 2 -  Các điểm lưu ý đối với cấp quản lý, giám sát khi tổ chức chương trình huấn luyện.

HUẤN LUYỆN AN TOÀN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH KHÍ

HUẤN LUYỆN AN TOÀN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH KHÍ

Theo quy định của pháp luật và hướng dẫn thực hiện của Bộ Công thương, tất cả các tổ chức, đơn vị, cá…


HUẤN LUYỆN AN TOÀN TRONG VIỆC VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA NGUY HIỂM

HUẤN LUYỆN AN TOÀN TRONG VIỆC VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA NGUY HIỂM

Theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ công thương. Danh mục hàng hóa nguy hiểm…


HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG HÀN CẮT KIM LOẠI

HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG HÀN CẮT KIM LOẠI

Trung tâm huấn luyện an toàn lao động, T.S.E thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo an toàn lao động hàn…


HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRONG KHÔNG GIAN HẠN CHẾ

HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRONG KHÔNG GIAN HẠN CHẾ

Trung tâm huấn luyện an toàn lao động T.S.E thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo an toàn lao động làm…


HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRÊN CAO

HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRÊN CAO

Trung tâm đào tạo an toàn lao động T.S.E thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện an toàn lao…



Từ khóa Hướng dẫn thực hiện huấn luyện an toàn; Huan luyen an toan lao dong; an toan lao dong; huan luyen hse;

@ Copyright 2017 CÔNG TY MASTCO